Pages

11 thg 9, 2012

Tham nhũng ở Việt Nam vừa tinh vi vừa trắng trợn


(VnExpress) - Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng. Năm 2011 có những tiến bộ nhất định nhưng Việt Nam vẫn là những nước có điểm số thấp và vẫn đứng ở phía cuối bảng xếp hạng. Theo TI, ở châu Á, tình hình tham nhũng ở Việt Nam nghiêm trọng hơn so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... nhưng ít nghiêm trọng hơn Mông Cổ, Philippines, Lào, Nepal, Campuchia, Myanmar.


Tại Hội thảo "Vai trò của Quốc hội trong phòng chống tham nhũng" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Lê Văn Lân có bài tham luận. Bài viết được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, VnExpress xin trích giới thiệu:

Ở Việt Nam cũng như các nước khác, việc đánh giá chính xác về tình hình tham nhũng diễn ra trong thực tế là rất khó khăn, vì tham nhũng cũng giống như một tảng băng trên biển, chỉ có thể nhận biết được phần nổi qua những vụ việc đã được phát hiện, xử lý. Thông qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng trong những năm qua và căn cứ việc đánh giá của các cơ quan chức năng, Đảng và Nhà nước đã khẳng định tình hình tham nhũng ở Việt Nam là nghiêm trọng.

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tham nhũng chủ yếu diễn ra trong việc quy hoạch; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị; giao đất, cho thuê đất; định giá đất khi thu hồi, đền bù; cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản… Một số người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất không đúng thẩm quyền; lập hồ sơ khống hoặc khai tăng diện tích đất khi đền bù.

Dư luận cho rằng việc cấp đất cho các dự án đều có hiện tượng bôi trơn cho những người có thẩm quyền.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nổi lên tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ trong ngành ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại hoặc cán bộ trong ngành ngân hàng tiếp tay, móc nối với người bên ngoài thông qua các hoạt động cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, đầu tư tài chính, ủy thác cho vay, ủy thác đầu tư… để chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát lớn.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản phần lớn các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát tài sản, chủ yếu do tham ô và cố ý làm trái. Sai phạm xảy ra ở hầu hết các khâu, từ việc lập dự án, thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch cấp vốn đến đấu thầu, tư vấn, giám sát, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình. Thủ đoạn chủ yếu là không chấp hành đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; gian lận, thiếu minh bạch trong đấu thầu; khai khống khối lượng và giá trị vật tư, thiết bị; đưa vật liệu kém chất lượng, sai quy cách vào sử dụng; thi công sai quy trình để giảm chi phí...

Trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, thủ đoạn tham nhũng chủ yếu là giấu bớt và định giá trị tài sản, đất đai thấp hơn giá trị thực khi cổ phần hóa hoặc bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp; lập các hợp đồng mua bán, vận chuyển hoặc hóa đơn khống để chiếm đoạt; nâng khống giá hoặc gửi giá khi mua bán tài sản công để trục lợi.

Trong công tác cán bộ, dư luận về tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy công chức” vẫn còn nặng nề, nhưng trong thực tế chưa phát hiện, xử lý được trường hợp nào. Dư luận nói nhiều đến hiện tượng một số cán bộ tiến thân bằng con đường chạy chọt, nịnh bợ cấp trên (tìm hiểu sở thích, nhu cầu cá nhân của cấp trên và gia đình họ để tìm cách đáp ứng; sẵn sàng biếu cấp trên những món quà có giá trị lớn như nhà ở, đất ở, cổ phần trong các dự án, công ty...).

Nhiều người nói rằng, hiện nay mọi thứ đều “có giá”, từ việc tuyển dụng, phân công công việc đến bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

Trong lĩnh vực tư pháp, hành vi tham nhũng chủ yếu là cán bộ tư pháp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ nhằm bỏ lọt hoặc giảm nhẹ tội phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Ngoài những lĩnh vực trên, tình trạng nhũng nhiễu còn khá phổ biến trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và công chức nhà nước với người dân và doanh nghiệp, giữa nhân viên các cơ sở dịch vụ công với khách hàng, như: cảnh sát giao thông, cán bộ thuế, các cơ quan cấp phép, cơ sở khám, chữa bệnh, các trường học… gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tóm lại, tình hình tham nhũng ở Việt Nam là nghiêm trọng, với những biểu hiện vừa tinh vi, phức tạp, vừa trắng trợn, lộ liễu, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, có những điểm giống và khác nhau so với tình hình tham nhũng ở các nước khác, nhưng đặc điểm nổi bật là tính phổ biến.

Trước đây, tham nhũng chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh…

Tham nhũng xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, là những cơ quan cầm cân, nảy mực, đại diện cho công lý và công bằng xã hội, như công an, VKS, Tòa án... Những trường hợp thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tòa án nhận hối lộ đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Số người tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ thấp hoặc không có chức vụ lãnh đạo, quản lý, như nhân viên cảnh sát, thuế vụ, bác sỹ, y tá chiếm tỷ lệ khá cao. Trong khi ở nhiều nước khác, người tham nhũng chủ yếu là các chính khách, các quan chức và doanh nhân. Mấy năm gần đây đã xuất hiện một số vụ tham nhũng liên quan đến yếu tố nước ngoài.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển với quy mô ngày càng lớn, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển. Việc công khai, minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, trong quản lý tài chính, tài sản của nhà nước, trong công tác cán bộ... còn nhiều hạn chế.

Tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai, minh bạch còn khá phổ biến. Quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo đảm. Nhiều quy định của Luật phòng chống tham nhũng về công khai, minh bạch chưa được thực hiện đầy đủ như: công khai quy hoạch sử dụng đất, công khai giá đất; công khai dự phòng ngân sách; công khai đầu tư, mua sắm công; công khai công tác cán bộ; công khai hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết luận thanh tra; công khai, minh bạch các quyết định trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ...

Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, một số biện pháp phòng chống tham nhũng được nhiều nước trên thế giới thực hiện và đánh giá tốt nhưng vẫn chưa được áp dụng ở Việt Nam (trách nhiệm giải trình, xử lý đơn tố cáo nặc danh, áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt, cách ly đối tượng có dấu hiệu tham nhũng để hạn chế khả năng đối phó, xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp, xử lý trách nhiệm của pháp nhân…).

Tham nhũng ở Việt Nam mang tính phổ biến; xảy ra ở hầu hết các ngành, các cấp, thậm chí xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, nên việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý rất khó khăn. Trong khi đó, người tham nhũng lại là người có chức vụ, quyền hạn, nên thường là những người có nhận thức sâu rộng, am hiểu pháp luật, được tiếp cận nhiều thông tin, có điều kiện kinh tế, có quan hệ rộng; một số người có công lao đóng góp lớn cho xã hội, có uy tín với quần chúng nên khó phát hiện và xử lý...

Lê Văn Lân - Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Web Hosting Coupons